Giữa làn sóng COVID-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát mạnh mẽ trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vàng được xem là tài sản, nơi trú ẩn an toàn nhất cho nhà đầu tư khi lạm phát nóng lên, giá trị tiền tệ suy giảm và nhiều tác động khác từ nền kinh tế. Việc người người nhà nhà tìm kiếm cơ hội đầu tư từ vàng đã khiến kim loại quý này trở thành kênh đầu tư nóng nhất trên thị trường tài chính hiện nay. Do đó, nếu là một gold trader bạn không thể bỏ qua bức tranh thống kê giá vàng Việt Nam trong 10 năm qua để có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư mới cho mình. Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Những cơn địa chấn của giá vàng tại Việt Nam
Bản chất của vàng là sự thất thường nên không thể tránh khỏi những cơn địa chấn vàng diễn ra mạnh mẽ. Ghi dấu ấn trong lịch sử là 3 lần biến động lớn: năm 2011, giai đoạn cuối 2012 – đầu năm 2013 và lần cuối là tâm điểm toàn cầu đại dịch Covid-19.
- Trong năm 2011, thời kỳ “vàng son”, giá vàng thế giới biến động bất thường trong xu thế liên tục tăng cao.
- Năm 2012 chứng kiến những thay đổi lớn trong lịch sử, chưa từng có tiền lệ, về hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với thị trường vàng. Chính sách góp phần không nhỏ trong việc làm giá vàng bình ổn
- Dịch Covid-19 bùng phát, giá vàng chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại của vàng.
Để có cái nhìn tổng quan hơn về thời kỳ lịch sử của kim loại quý này, hãy cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh dưới đây về giá vàng tại Việt Nam trong 1 thập kỉ qua.
Thống kê lịch sử giá vàng Việt Nam trong 10 năm qua
Trải qua hàng trăm thế kỷ, vàng vẫn luôn là hàng hóa đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và là loại tài sản được ưa chuộng trên thế giới trong danh mục đầu tư.
Đặc biệt, trong xuyên suốt 10 năm qua, thị trường vàng chứng kiến hàng loạt các đợt tăng giá “điên cuồng” cũng như những lần trượt dốc thảm hại. Cụ thể diễn biến như thế nào cùng theo chân chúng tôi nhé!
Giá vàng Việt Nam năm 2011: Giá vàng lập đỉnh cao nhất trong lịch sử
Nhìn lại “vũ điệu” của giá vàng năm 2011, một dấu ấn khó phai mờ có âu lo, những niềm vui bất chợt và sự hồ nghi e ngại đến tận những ngày cuối năm.
Mở đầu cho sự kiện bùng nổ này là 11/2/2011, ngay sau khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tăng kỷ lục tới 9,3% thì cỗ xe giá vàng bắt đầu bứt phá lên mức 36 triệu đồng/lượng mặc dù giá vàng thế giới không ghi nhận biến động nào đáng kể. Nối tiếp những tháng ngày sau đó là giá vàng tăng liên tục lên 37-38 triệu đồng/lượng và không có dấu hiệu giảm.
Sang đầu tháng 8, sau cú sốc hạ mức tín nhiệm của Hoa Kỳ, giá vàng thế giới bùng nổ lên sát 1.700 USD/ounce và giá vàng Việt Nam chạm ngưỡng 44,2 triệu đồng/lượng – cao hơn giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước sáng ngày 9-8 đã tăng mạnh lên 46 triệu đồng/lượng và cảnh tượng xếp hàng mua vàng lại tái diễn sáng nay trên “phố vàng” Trần Nhân Tông của Hà Nội.
Tưởng chứng đã chạm mức lập đỉnh trong lịch sử nhưng giá vàng lại tạo lập nên kỷ lục mới vào ngày 23-8-2011 khi tăng vọt lên 48,6 triệu đồng/lượng và có những lúc vượt 49 triệu đồng/lượng.
Cuối tháng 9-2011, thị trường vàng Việt Nam lại chứng kiến cảnh hỗn loạn người dân đổ xô để bán vàng ra khi giá vàng lao dốc xuống 41 triệu đồng/lượng.
Và cuối năm 2011, giá vàng thế giới khép lại với dao động nhẹ quanh mốc 43 triệu đồng/lượng trên thị trường Việt Nam.
Giá vàng Việt Nam năm 2012-2015: Cơn sốt vàng hạ nhiệt
Tâm điểm của thị trường vàng năm 2012 có lẽ không phải là câu chuyện về giá vàng mà là một câu chuyện khác về chính sách. Khi đã chứng kiến một thay đổi lớn, chưa từng có tiền lệ, về hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với thị trường vàng.
Một trong những hiệu quả tích cực của chủ trương này là sự ổn định của tỷ giá USD/VND trong suốt năm 2012, giữ nguyên ở mức 20.828 đồng. Thị trường vàng cũng trở nên ổn định hơn sau những nỗ lực can thiệp của cơ quan chức năng.
Kết thúc năm 2012, giá vàng SJC dao động trong khoảng 46.3 triệu đồng/lượng. Giải thích việc giá vàng năm 2012 tăng chậm là do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó phải kể đến là chủ đề lạm phát đã được kiềm chế khi tốc độ tăng giá tiêu dùng năm này đã chậm lại so với năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra.
Đến năm 2013, một sự lao dốc khá rõ ràng và đỉnh điểm là vào ngày 28/06, giá vàng rơi xuống chỉ còn 35 triệu đồng/lượng, rớt giá đến 6 triệu đồng/lượng trong 1 tháng.
Khép lại năm 2013, giá vàng giảm 12 triệu đồng/lượng, sụt giảm 26%.
Bốn năm sau cơn sốt vàng 2011, thị trường 2015 không khả quan và tiếp tục chứng kiến chuỗi giá lao dốc dài hạn, tài sản các nhà đầu tư bốc hơi gần 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Việt Nam năm 2016: Thị trường bình ổn, phản ứng nhà đầu tư khá dè dặt
Những cơn sốt vàng đã dần đi vào quá khứ, thay vào đó là không khí giao dịch khá u ám và trầm lắng cho năm 2016.
Sau 5 tháng đầu năm lình xình quanh ngưỡng 33- 34 triệu đồng/lượng bất chấp giá thế giới leo thang, vàng trong nước chính thức tìm lại mốc 35 triệu đồng/lượng vào tháng 6. Khi giá được điều chỉnh tăng 1,6 – 1,8 triệu đồng/lượng và ghi nhận bước tiến 5,1% – tốt nhất kể từ đầu năm.
Cuối năm, giới đầu tư đã chú ý đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước “neo” ở mức rất cao. Giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Việt Nam năm 2017-2018: Ít biến động, dấu hiệu tích cực cho làn sóng tăng giá
Thị trường vàng trong nước diễn biến trầm lắng ở nhiều phiên của tuần giao dịch cuối cùng trong năm 2017. Giá vàng SJC được niêm yết ở mức 36,54 – 36,61 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong năm 2018, thị trường vàng trong nước khá yên ắng, không có nhiều biến động. Giá vàng ổn định ở mức khoảng 34 triệu đồng/lượng. Vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lạc quan rằng làn sóng tăng giá của vàng sẽ trở lại, nguyên nhân là do các nhà đầu tư bất an về khủng hoảng kinh tế thế giới.
Giá vàng năm 2019: Khởi sắc chu kỳ tăng giá
Vừa trải qua một năm không có nhiều biến động, sang năm 2019, giá kim loại quý khởi sắc hơn.
Vào thời điểm 25-2, giá đạt ngưỡng 36,80 -37,63 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân xuất phát từ sức cầu trong nước gia tăng bởi vào dịp ngày vía Thần Tài, người dân đi mua vàng nhằm mang lại may mắn cho cả năm.
Vào giữa quý II, thị trường ghi nhận mức giá tăng mạnh nhất của năm, giá vàng lên 36,96 -37,15 triệu đồng/lượng.
Nhìn chung, năm 2019 giá vàng trong nước bình quân khởi sắc hơn 7,55% so với năm 2018.
Giá vàng năm 2020: Đại dịch COVID -19 toàn cầu, giá vàng lập đỉnh mới lịch sử
Giá vàng thế giới và giá vàng trong nước bước sang những ngày đầu năm 2020 đã bắt đầu chuỗi lập đỉnh liên tục, khi diễn biến khó lường của dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, khiến kim loại quý này càng có cơ hội “bùng nổ” dữ dội nhất trong lịch sử.
Từ mốc chỉ hơn 42 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 1/2020 đối với vàng SJC và quanh mốc hơn 1.500 USD/ounce đối với vàng thế giới, giá vàng tăng không ngừng và chạm mốc cao nhất kể từ năm 2012 vào đầu tháng 3.
Đỉnh điểm của giá vàng thế giới, có lúc lên gần 2.050 USD/ounce, còn vàng trong nước cũng hơn 62 triệu đồng/lượng, ghi nhận vào ngày 6/8. Đây là mức giá cao nhất mọi thời đại của vàng.
Kết thúc năm 2020 vàng vẫn cao chót vót ở mức 56,1 triệu đồng/lượng. Trả lời cho câu hỏi “Liệu trong năm 2021 giá vàng có tiếp tục tăng”? Theo phân tích của các chuyên gia, giá vàng tăng hay giảm sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như kiểm soát đại dịch COVID-19, vắc xin ngừa COVID-19 và chỉ số đồng USD.
➞ Khép lại chuỗi 10 năm đầy sóng gió của thị trường vàng với những đợt biến động dữ dội cũng như sự thăng hoa trong lịch sử, giá vàng luôn là tâm điểm nóng trong từng “hơi thở” các nhà đầu tư và nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi.
Đại dịch COVID-19: Triển vọng hay nguy cơ cho đầu tư vàng?
Trong 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid 19 diễn ra ngày càng phức tạp, khiến nền kinh tế trên thế giới trở nên “kiệt quệ”. Câu hỏi được đặt ra: các nhà đầu tư nên hay không đầu tư vàng trước thềm đại dịch? Đại dịch tạo nên triển vọng hay nguy cơ cho đầu tư vàng?
Trong 10 năm qua, thị trường vàng thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những đợt lên giá “nổi loạn” và “xuống dốc không phanh” khiến các nhà đầu tư “rớt tim ra ngoài”.
Đối lập với đô la Mỹ – đồng tiền quyền lực, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, vàng được xem là “nơi trú ẩn an toàn” đối với giới đầu tư. Theo một số nghiên cứu cho thấy, trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, vàng là một kênh đầu tư tiết kiệm tích lũy an toàn.
Tuy nhiên, đối với cuộc khủng hoảng lần này, biến thể Delta ngày càng lan rộng phức tạp, vàng chưa thể hiện tốt vai trò tài sản trú ẩn an toàn.
Hãy nhìn vào năm 2008, thị trường bị chao đảo mạnh nhất trong 10 ngày, trong đó có 6/10 ngày vàng được xem là cứu cánh cho nền kinh tế. Trong khi đó, trong 10 ngày chao đảo của thị trường vào tháng 3/2020 thì vàng chỉ hiệu quả trong 3/10 ngày.
Vậy câu trả lời nào thỏa đáng cho câu hỏi: Đại dịch tạo nên triển vọng hay nguy cơ cho đầu tư vàng? Đó chính là cả hai.
Có nên “tất tay” với vàng trong thời điểm biến thể Delta lây lan mạnh?
Trong bối cảnh toàn cầu chao đảo vì virus corona, nhất là sự lây lan nhanh chóng của biến thế Delta, các giới chuyên gia khuyên nhà đầu tư hãy tỉnh táo để lựa chọn kênh đầu tư ít rủi ro và có tính thanh khoản cao.
Mặc dù vàng là tài sản trú ẩn an toàn và có tính thanh khoản cao kể cả khi nền kinh tế bất ổn. Nhưng vàng lại là tài sản phụ thuộc vào mối quan hệ cung cầu nên khó khăn trong việc xác định giá trị “cốt lõi” nên dễ gây rủi ro với nhà đầu tư khi lựa chọn sai thời điểm mua vào.
Cùng với đó, giới phân tích đưa ra lời khuyên rằng không nên tất tay với vàng trong bất cứ trường hợp nào. Thay vào đó, giới đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư và ưu tiên các kênh dài hạn. Đặc biệt, các trader cần tránh giao dịch lướt sóng do giá vàng thế giới và trong nước có sự chênh lệch khá lớn, đặc biệt trong trường hợp thị trường biến động mạnh.
Các nguyên tắc nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vàng hiện nay
Không chỉ đầu tư sản phẩm vàng hay những sản phẩm khác, để giảm thiểu rủi ro và mang về lợi nhuận tốt nhất, trader nên tuân thủ những nguyên tắc đã được nhiều “cha ông” có kinh nghiệm đặt ra:
- Không nên lấy số vốn lưu động để đầu tư
Vàng là một trong những loại tài sản có biến động mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn ra phức tạp. Tiền mua vàng nên là số tiền nhàn rỗi.
- Thường xuyên theo dõi thị trường vàng trong nước và quốc tế
Bạn nên theo dõi thị trường vàng quốc tế và cả trong nước liên tục để dự đoán được giá vàng
và nắm bắt được mức chênh lệch giá mua/bán trên thị trường thế giới và Việt Nam. Từ đó, bạn sẽ tính được mức độ rủi ro trong quá trình giao dịch và đưa ra được những chiến lược giao dịch phù hợp.
- Chia thành nhiều danh mục đầu tư
Trader nên phân bổ số tiền thành nhiều mục tiêu đầu tư để phân bổ mức độ lợi nhuận và rủi ro. Bạn có thể chia số vốn của mình thành nhiều danh mục khác nhau: chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm,…Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên thận trọng với lối lướt sóng bởi giá vàng. Bạn nên tiết kiệm vàng từ 3 đến 6 tháng, sau đó xem xét tình hình để bán ra hay không.
Lời kết
Với thời điểm hiện tại, đại dịch Covid 19 đang gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung lẫn Việt Nam nói riêng. Vì thế, giá vàng trong nước và thế giới chắc chắn sẽ còn rất nhiều biến động. Hi vọng với những cái nhìn khách quan nhất của chúng tôi về giá vàng qua các năm và lời khuyên từ các nhà đầu tư sẽ giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình trade vàng. Chúc các bạn thành công với những đầu tư sắp tới!